13/04/2021
Trong danh mục các dự án được vay vốn trên toàn cầu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố trên website của Ngân hàng, có dự án nhà máy điện mặt trời Hòa Hội (Phú Yên) với khoản vay 186 triệu USD. Đây là dự án do Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thành (TTVN) và B.Grim (Thái Lan) hợp tác triển khai.
Chia sẻ về lý do tài trợ vốn cho dự án điện có quy mô 257 MW này, ADB viết: “Dự án đáp ứng được những yêu cầu đặt ra trong chiến lược 2030 của ADB. Đó là đối phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển bền vững; giảm nghèo đói và bất bình đẳng xã hội; tăng cường vai trò của khu vực kinh tế tư nhân”.
Đặc biệt, ADB đánh giá cao những cơ hội mà dự án này đem đến khi sinh kế của đồng bào dân tộc quanh dự án được cải thiện nhờ công ăn việc làm mới được tạo ra ở dự án cũng như các công trình có liên quan, sự hỗ trợ của nhà đầu tư cho các công trình giáo dục tại địa phương…
ADB không hề dễ tính khi xét duyệt các khoản vay, họ đã nhìn thấy những giá trị to lớn mà dự án Hòa Hội mang lại, để từ đó gật đầu tài trợ vốn.
Khi hỏi ông Đặng Trung Kiên, Chủ tịch TTVN về sự kiện này, ông chỉ đáp ngắn gọn: “Đối với chúng tôi, đó là một sự tự hào.
Bởi không chỉ là việc tiếp cận được nguồn vốn có lãi suất thấp, mà quan trọng hơn là uy tín thương hiệu và hơn nữa là mình có thêm đối tác. Khi chúng ta mong muốn làm lớn, chúng ta sẽ phải đi cùng nhau và hợp lực mới có cơ hội thành công”.
Hợp lực và có thêm nhiều người bạn lớn đồng hành với doanh nghiệp để phát triển những dự án quy mô lớn, tạo thêm nhiều giá trị cũng là khát vọng của ông Kiên và các cộng sự khi quyết định tham gia sâu hơn và tái cấu trúc Công ty cổ phần Bất động sản và Năng lượng Trường Thành (TEG), một doanh nghiệp có quy mô vốn hóa nhỏ trên HOSE.
Ông Đặng Trung Kiên, Chủ tịch TTVN Group
Thực ra, ban đầu ông Kiên và các cộng sự dự định đưa TTVN Group lên niêm yết để thuận lợi hơn cho việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược đối với các dự án năng lượng tái tạo.
Nhưng cùng là cổ đông lớn của TTVN, TEG và Năng lượng Trường Thành, họ nhận thấy thay vì để các công ty và dự án dàn trải thì nên tập trung về một mối để quản trị hiệu quả hơn.
Tại Đại hội cổ đông thường niên 2021 của TEG mới đây, ông Kiên chia sẻ: “Muốn đưa một phần lợi thế của TTVN về với TEG thì TEG phải có khả năng thực hiện ý tưởng và các dự án lớn, nếu không rất lãng phí cơ hội”. Do vậy, TEG đã trình cổ đông thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu để tăng vốn. Số tiền thu được từ các đợt phát hành ước tính hơn 316 tỷ đồng dùng để mua cổ phần của Công ty Năng lượng Trường Thành – hiện TEG đang sở hữu 26,28% vốn điều lệ doanh nghiệp này.
“Năm 2021, chúng tôi đặt mục tiêu tăng vốn cho TEG, sau đó lựa chọn một số nhà đầu tư nước ngoài làm cổ đông lớn, cổ đông chiến lược của Công ty. Hiện nay, có 3 – 4 đối tác muốn trở thành cổ đông lớn của TEG để có cơ hội tham gia các dự án năng lượng của TTVN Group”, ông Kiên tiết lộ.
Có phải đến lúc này, ông Kiên và TEG có thể tự tin để lựa chọn đối tác chiến lược khi đang có trong tay danh mục dự án quy mô lớn?
Cho đến nay, TTVN và TEG đã cùng đối tác là các tập đoàn B.Grimm, Sermsang của Thái Lan, Quadran International của Pháp đầu tư và đưa vào vận hành 3 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 357 MWp từ tháng 6/2019 và đều được hưởng cơ chế giá FIT là 9,35 USD cent/Kwh.
Hiện TTVN đang liên danh với Sermsang đầu tư Nhà máy điện gió V1-2 Trà Vinh, quy mô 48 MW, sẽ đưa vào vận hành trong tháng 10/2021 để được hưởng giá FIT 9,8 USD cent/KWh.
Thông qua việc triển khai các dự án này, TTVN và TEG đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm từ giai đoạn lựa chọn vị trí, phát triển dự án, lựa chọn công nghệ, lựa chọn nhà thầu EPC, xây dựng giải pháp tài chính…
Các doanh nghiệp ông Kiên sở hữu cổ phần đang tập trung đầu tư vào mảng năng lượng tái tạo
Ở giai đoạn đầu tiên, thời gian triển khai các dự án điện mặt trời để COD hưởng giá FIT 9.35 USD cent/KWh rất ngắn, trong khi năng lượng tái tạo là lĩnh vực hoàn toàn mới đối với TTVN và năng lực tài chính cũng còn nhiều hạn chế thì việc chọn cách đi cùng với các đối tác nước ngoài lớn chính là cách “mượn lực” để tới đích.
“Bằng những kinh nghiệm của mình, thời gian tới, chúng tôi tự tin đưa TEG nắm giữ tỷ lệ chi phối từ 51% ở những dự án mới, giúp TEG vươn lên trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và có dòng tiền ổn định để thực hiện các kế hoạch trung và dài hạn”, ông Kiên chia sẻ…
Bên cạnh mối duyên lớn với các đối tác quốc tế, ông Kiên còn thành công trong việc “chiêu mộ” nhân sự giỏi tham gia vào việc dẫn dắt TEG. Trong Hội đồng quản trị của TEG có ông Akahane Seiji với vai trò thành viên hội đồng quản trị độc lập. Ông Akahane từng là Phó ban Đầu tư hải ngoại của Kumaigai Gumi – người am hiểu sâu sắc các thị trường nước ngoài và là cầu nối giúp TEG mở rộng hợp tác với các nhà đầu tư lớn từ Nhật Bản.
Khát vọng và triết lý tạo giá trị của ông Kiên cũng thu hút thêm nhiều chất xám quyết định gia nhập TEG. Tại ĐHCĐ 2021 mới đây, Hội đồng quản trị TEG có thêm luật sư Trần Tuấn Phong – một trong những thành viên sáng lập hãng luật Vilaf Hồng Đức, hiện đang giữ vai trò Phó Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam. Ông Trần Tuấn Phong là người tham gia tư vấn cho nhiều thương vụ gọi vốn quốc tế quy mô lớn.
“Chúng tôi đều mong muốn xây dựng được những doanh nghiệp có thương hiệu, đem lại các giá trị cho cộng đồng, cho xã hội”, ông Kiên nói.
Khi triết lý kinh doanh và triết lý sống đã phần nào sâu sắc theo thời gian, như chia sẻ của ông Kiên, dù đang là những doanh nhân ở độ tuổi chín về kinh nghiệm và bản lĩnh, việc học hỏi thêm vẫn luôn là điều họ nằm lòng.
Ông kể: “Năng lượng và đặc biệt lĩnh vực năng lượng tái tạo rất mới, khoảng cách giữa doanh nghiệp lớn và nhỏ; hiểu biết hay không sẽ chỉ khác nhau sau một khoảng thời gian và phụ thuộc vào việc mình có chịu khó học hỏi hay không”.
Có lẽ tâm thế của người lãnh đạo như vậy nên ở TTVN và TEG, năng lực học hỏi, cởi mở đầu óc để luôn luôn học và tiếp nhận cái mới đã trở thành văn hóa doanh nghiệp.
“Thời gian đầu tham gia lĩnh vực năng lượng tái tạo, có những hôm anh em lãnh đạo phải đánh vật trao đổi để trả lời các câu hỏi của đối tác. Và chính trong quá trình đó, chúng tôi mới vỡ ra, mới nắm được hết các vấn đề liên quan để đến bây giờ có thể nói hàng trăm văn bản, quy trình chi tiết khi phát triển một dự án năng lượng đều hằn vết trong não mất rồi”, một cộng sự của ông Kiên kể.